Friday, January 27, 2012

Tết đối thoại với Ngô Bảo Châu về Toán học - Thế cuộc - Triết lý nhân sinh

Phỏng vấn GS Ngô Bảo Châu đăng trên báo Sinh viên Việt Nam số Tết

Người hỏi: Lê Ngọc Sơn

Phần 1: ĐAM MÊ TOÁN & TRIẾT LÝ NHÂN SINH

1. GS đến với Toán học như thế nào? Ai là người giúp GS đam mê với Toán? Và vì sao GS chọn “nghiệp toán” cho mình?

Có nhiều người đã nắm tay dắt tôi đi qua những chặng đường khác nhau. Nếu chỉ được chọn một người thì đó là ông Laumon, người hướng đã tôi làm dẫn luận văn tiến sĩ.

2. Với những thành tích của GS, nếu có ai đó nói GS là “thần đồng toán học”, GS sẽ nói gì…?

Tôi sẽ nói là không đúng đâu.

3. Ước mơ lớn nhất của GS thời sinh viên là gì? Và bây giờ, khi nghĩ về nó, GS thấy nó thế nào?

Đó là hiểu toàn bộ toán học và có một đóng góp vào đó. Ước mơ thứ nhất vẫn chưa thực hiện được.

4. Cho đến giờ, thử thách lớn nhất cuộc đời GS là gì?

Hoàn thành chứng minh Bổ đề cơ bản là thử thách lớn nhất.

5. Với không ít người toán học thật khô khan, nhưng với GS, GS tìm thấy triết lý gì từ toán học?

Với các nhà toán học thì toán học không khô khan.

6. Nếu kể một kỉ niệm sâu đậm nhất giữa “mối tình” của GS với Toán học, thì đó là…?

Tôi thực sự cảm nhận được vẻ đẹp của toán học hiện đại trong thời gian chuẩn bị luận văn thạc sĩ. Nói văn hoa như bạn thì đó là ánh chớp tình yêu đầu tiên.

7. Thời học sinh, rồi trở thành SV… đã có lúc nào đó (dù chỉ là thoáng qua) GS nghĩ đến việc sẽ từ bỏ toán chưa, và đó là lúc nào?

Trước khi đi học thạc sĩ, tôi có đi thực tập ở một viện nghiên cứu tin học và tự động hóa. Sau khi thực tập thì tôi hiểu rằng cái mà tôi thực sự thích là toán học.

8. Người ta nghe đến một GS Ngô Bảo Châu thành công rực rỡ. Nhưng chưa ai nghe đến chuyện thất bại của GS. Vậy GS đã từng thất bại chưa, và thất bại lớn nhất của GS là gì? Và làm thế nào GS có thể bước tiếp…?

Ai cũng có nhiều thất bại, nhưng ít kể về thất bại của mình vì thực ra cũng không có gì hay để kể. Qui luật tự nhiên là không dừng lại để gặm nhấm thất bại của mình dù cho thất bại bao giờ cũng để lại một vết thương trong lòng. Tốt nhất là tự nhủ mình rằng mình có một giá trị mà cái thất bại kia không phủ nhận được, hai là mình còn đủ can đảm để nhận thêm vài vết thương nữa.

9. Ai là thần tượng của GS?

Có rất nhiều người đáng kính trọng, nhưng việc thần tượng ai đó có lẽ là không cần thiết.

10. GS thường ứng xử thế nào trước mỗi lời khen?

Những lời khen thật lòng luôn đáng được trân trọng.

11. GS ghét nhất điều gì?

Sự hèn nhát.

12. Theo GS, cám dỗ nhất trong đời người là cái gì?

Cái này còn tùy vào đối tượng.

13. Điều mà GS học hỏi được nhiều nhất sau những năm sống và làm việc ở nước ngoài?

Một tấm lòng rộng mở.

14. Ngoài toán học và tổ ấm của mình, điều gì làm GS quan tâm nhất?

Nhiều không kể hết.

15. Thử tưởng tượng, một ngày nọ, ngủ dậy, GS thấy mình ở một vùng đất lạ. Việc đầu tiên mà GS sẽ làm, là gì?

Tìm hiểu xem mình đang ở đâu.

16. Nếu đang ở trong một ngôi nhà bị hỏa hoạn, đứng trước một lựa chọn là chỉ lấy được 1 trong 3 thứ sau:
A) Một kệ sách tâm đắc nhất
B) Một (độc bản) công trình toán học đang hoàn thành dở dang (tầm cỡ như công trình chứng minh Langsland).
C) Tất cả số tiền mà gia đình có.
GS sẽ chọn gì? Vì sao?


Chắc là cúu tiền. Cứu tiền mới cứu được người. Mà người thì quan trọng hơn sách vở.

16. Cuốn sách mà GS đang đọc là…?

Sauf-conduit của Pasternak.



Phần 2: ĐAM MÊ & THẾ CUỘC

17. Cho đến bây giờ, một triết lý sống mà GS luôn theo đuổi là?

Sống cho đẹp.

18. Để theo đuổi tận cùng niềm đam mê, GS đã phải vượt qua những thử thách nào?

Thử thách lớn nhất là đối mặt với sự kém cỏi của chính mình.

19. Theo GS, tố chất nào cần có ở một người trẻ?

Sự can đảm và một tấm lòng rộng mở.

20. Theo riêng GS, khát vọng lớn nhất của người trẻ Việt Nam là gì?

Khát vọng lớn nhất của người trẻ luôn là làm nảy nở những chồi tài năng mà có trong mình.

21. Nếu được nói 03 điều về giới trẻ Việt Nam hiện nay, GS sẽ nói điều gì?

Hãy can đảm, biết tin vào mình và có một tấm lòng nhân hậu, rộng rãi.

22. Tố chất nào ở một người trẻ/sinh viên sẽ được GS đánh giá cao nhất?

Cam đảm, tự tin và có một tấm lòng nhân hậu, rộng rãi.

23. Theo GS, làm thế nào để người trẻ không thờ ơ với thế cuộc, biết lo cho nỗi lo của dân tộc?

Hãy nói với họ rằng tương lai của họ, của con cái họ sau này là một phần của tương lai dân tộc.

24. Có người nói một dân tộc có những người trẻ đầy khát vọng và đam mê là một dân tộc có sức sống mãnh liệt. Quan điểm của GS thế nào?

Tôi suy nghĩ nhiều đến con người và đất nước Việt Nam nhưng tôi ít quan tâm đến khái niệm dân tộc theo nghĩa nòi giống.

25. Theo GS, làm sao để người trẻ được lắng nghe?

Hãy nói những gì mình nghĩ chứ đừng nhắc lại những gì người khác nói.



Phần 3: PHẨM CÁCH CỦA TRÍ THỨC & KHÔNG GIAN HỌC THUẬT

26. GS nghĩ gì khi một bộ phận xã hội (trong đó có trí thức) đang vô cảm với những nỗi đau khổ của người khác (tình trạng vô cảm)?

Tôi nghĩ rằng cái còn nguy hiểm hơn sự vô cảm và cũng có thể là một nguyên nhân của sự vô cảm đó là việc sức mạnh, thường là đồng tiền, được coi là thước đo duy nhất cho mọi hoạt động và từng cá nhân trong xã hội.

27. GS có đồng ý định nghĩa, trí thức trong việc không để xã hội “ngủ”?

Người trí thức có nhiệm vụ quấy rầy khi những người khác ngủ trong những định kiến của mình.

28. Theo GS, đâu là phẩm cách quan trọng của một trí thức?

Trí thức cần tinh thần cầu thị, ham học, đầu óc phân tích, lập luận sắc bén. Người trí thức cần thêm sự can đảm và một tấm lòng rộng rãi, nhân hậu.

29. Trí thức cần gì nhất, theo GS?

Tự do.

30. GS nhận xét gì về đời sống học thuật trong nước? Làm thế nào để xây dựng một không gian học thuật đúng nghĩa?

Có một khoảng cách quá lớn giữa khả năng của từng con người và chất lượng của kết quả lao động. Để xây dựng một không gian học thuật đúng nghĩa, cần đặt chất lượng của lao động khoa học lên vị trí ưu tiên nhất.

31. Ở VN, hầu như ai cũng ca thán về chất lượng đào tạo đại học. Dưới góc nhìn của GS, vì sao câu chuyện này được xới lên mãi nhưng vẫn chưa có một giải pháp khả thi?

Tôi nghĩ rằng các trường đại học ở VN vẫn chưa thực lòng đặt chất lượng nghiên cứu khoa học và chất lượng giảng dạy lên như ưu tiên hàng đầu.

32. Báo cáo mới nhất của UNDP cho biết: người dân VN phải dành 50% số tiền tiết kiệm được cho con cái đi học ĐH, Nhà nước dành 20% GDP cho giáo dục… Nhưng với chất lượng như hiện nay, GS có thấy có đắt đỏ quá không?

Có lẽ nói 20% của ngân sách nhà nước thì chính xác hơn. Dù sao đây cũng là con số lớn. Chúng ta có thể đặt câu hỏi tại sao đời sống của giáo viên, đặc biệt ở các vùng xa, lại vẫn cùng cực đến như thế.

No comments:

Post a Comment