Wednesday, January 4, 2012

Hậu trường thi HSG Quốc gia: Đừng biến thành cuộc đua thành tích

“Cứ mỗi đội tuyển có 8-10 học sinh, 63 tỉnh, thành có khoảng 600 học sinh/môn thi. Trong khi đó theo quy định sẽ có 300 học sinh/môn thi đoạt giải. Giải nhiều như thế nên các tỉnh mới chạy đua để có thành tích”.

>>Kỳ 1: Giỏi cũng phải... chi tiền
>>Kỳ 2: Luyện “gà chọi” cấp tốc

GS Lê Tuấn Hoa, giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về toán, Bộ GD-ĐT, một trong những người tâm huyết với việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh năng khiếu, đã nhận xét như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề thi học sinh giỏi quốc gia hiện nay.

* Theo ông, cơ cấu giải thế nào là hợp lý?
- Cơ cấu giải hiện nay có thể khuyến khích được các em, giúp nhiều em đi thi không thất bát. Nhưng cũng chính vì thế gây nên sức ép đoạt giải. Trước kia đi thi học sinh giỏi quốc gia mà không được giải là bình thường vì để có giải rất khó. Còn hiện nay trong một số đông học sinh đoạt giải, những em không có giải, những tỉnh ít giải sẽ thấy mình thua kém, đáng xấu hổ.

Điều này gây nên tâm lý cay cú, muốn bằng mọi cách để có giải. Nói như vậy không có nghĩa là quay lại cơ cấu 8-9 giải như trước đây. Việc quy định cơ cấu giải như thế nào cần phải nghiên cứu cẩn thận, thậm chí phải có đề tài nghiên cứu khoa học hẳn hoi về việc này.

* Nhưng theo những người soạn thảo quy chế thi học sinh giỏi quốc gia, việc quy định cơ cấu giải (số giải không quá 50% số thí sinh dự thi) là tương ứng với cơ cấu giải trong các kỳ thi Olympic quốc tế, khu vực?

- Đúng là thi Olympic quốc tế cơ cấu giải là như thế. Nhưng ở “sân chơi” quốc tế khác các cuộc thi trong nước, những học sinh được chọn đến đều xuất sắc, được tuyển chọn khắt khe qua nhiều vòng thi. Và cơ cấu 50% giải cho số học sinh xuất sắc là hợp lý.

* Trở lại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, nếu không coi kết quả thi là thành tích để đánh giá chất lượng giáo dục của các tỉnh, thành thì họ cũng không quan tâm, đầu tư nhiều cho việc này. Việc quan tâm nuôi dưỡng người tài là tốt chứ?

- Phát hiện, nuôi dưỡng những học sinh có năng khiếu là cần thiết. Nhưng nếu coi kết quả thi của cá nhân những học sinh là thành tích của địa phương, của nền giáo dục và chỉ khi đó là “bộ mặt của cả địa phương” thì mới đầu tư là sai lệch. Tôi cho rằng cần thay đổi quan niệm về việc này. Đối với các nước, người ta có thể khen “đội tuyển toán của các bạn khá lắm, chứ không ai nói “làng toán VN” khá lắm.

Tóm lại, chúng ta cần có sự phân biệt cho đúng để hành xử cho đúng ở kỳ thi chọn học sinh giỏi. Kết quả thi học sinh giỏi quốc gia là kết quả của cá nhân, của đội tuyển nhưng nên đặt ra ngoài vấn đề thành tích chung của địa phương. Không phải tỉnh có nhiều học sinh giỏi quốc gia thì ở đó giáo dục đã tốt nhất. Có thay đổi được quan niệm thì kỳ thi học sinh giỏi quốc gia mới thật sự là một sân chơi trí tuệ chứ không phải cuộc chạy đua giành thành tích bằng mọi giá, khiến mọi người đều bị áp lực, căng thẳng.

* Nhưng cũng có một số người cho rằng việc đội tuyển của các địa phương đua nhau ra Hà Nội để luyện thi với các thầy ở trường đại học, viện nghiên cứu sẽ nâng chất lượng học sinh giỏi lên?

- Tôi chưa bao giờ nghĩ luyện thi quá nhiều là tốt, ở kỳ thi nào cũng thế và nhất là ở kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Bồi dưỡng học sinh năng khiếu là gợi mở, bồi dưỡng cho các em năng lực tư duy, sáng tạo chứ không phải nhồi thêm nhiều kiến thức giống như cái máy tính nhồi dữ liệu.

Luyện thi kiểu hiện nay sẽ làm hỏng học sinh. Không có nước nào khen kiểu luyện đó. Có lần chúng tôi đến thăm Viện Nghiên cứu KAIST (Viện Khoa học công nghệ Hàn Quốc), họ cho biết khi phỏng vấn học sinh cho mục tiêu ươm mầm tài năng, họ có những câu hỏi nhằm phát hiện thí sinh đó có luyện thi hay không. Nếu có luyện thi thì bị trừ rất nhiều điểm. Vì họ cần người thông minh chứ không cần người được nhồi nhét nhiều thứ trong đầu.
Về thực tế đưa quân đến Hà Nội luyện thi hiện nay, tôi nghĩ học sinh giỏi mà luyện 1-2 tuần thì chẳng có lợi lộc gì trong việc nâng cao trí tuệ cho các em, có chăng là chỉ để “trấn an tinh thần”.

* Một thực tế khác là nhiều đội tuyển ra Hà Nội mời thầy với mức thù lao rất cao là hi vọng được định hướng đề thi. Theo ông, khâu ra đề thi có cần phải điều chỉnh?

- Theo tôi, phải thường xuyên thay đổi người ra đề thi. Một người ra đề thi cho năm nay thì nên 5-7 năm sau mới mời họ tham gia tiếp. Như vậy sẽ không có chuyện đoán đề, luyện tủ. Người đã ra đề thì không nên luyện thi với bất cứ hình thức nào. Hơn nữa, đánh giá học sinh giỏi nên phát huy sáng tạo của học sinh. Mà muốn thế đề thi càng lạ càng tốt. Muốn có đề lạ phải thay người ra đề thường xuyên. Nếu làm được như vậy sẽ không có chuyện các tỉnh ra sức luyện thi theo “gu” người ra đề.

VĨNH HÀ - ĐĂNG NGỌC thực hiện (tuoitre.vn)

No comments:

Post a Comment