Thursday, September 22, 2011

“Trò chơi” lợi hại: Kinh tế, chính trị, chiến tranh và hòa bình qua một cái click chuột

Phần 1: Chuyện vị Giáo sư ngồi sau màn trướng, quyết ngoài vặn dặm

Vài năm gần đây, lý thuyết trò chơi đã “tiến bộ đáng kể” khi mà rõ ràng thiệt hại sẽ rất nặng nề nếu phân tích không chính xác.
Tóm tắt:

- GS. Bruce Bueno de Mesquita sử dụng “lý thuyết trò chơi” để dự đoán diễn tiến các sự kiện chính trị trên toàn cầu với độ chính xác không ngờ.

- GS. Paul Milgrom từ ĐH Stanford giúp Time Warners và Comcast tiết kiệm 1,2 tỷ đôla bằng phần mềm phân tích hành vi các bên tham gia đấu giá.

- Chính phủ Israel “cố tỏ ra mình thông minh” và mất trắng 24 triệu đôla trong một vụ đấu giá nhà máy lọc dầu.


Tự nhận mình chẳng mấy thông thạo về chính trị nhưng GS. Bruce Bueno de Mesquita từ ĐH New York lại đưa ra được những dự đoán chính xác đến không ngờ.

Vào tháng 05/2010, ông dự đoán Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak sẽ mất quyền lực trong vòng một năm. 9 tháng sau đó, ông Mubarak bỏ chạy khỏi Cairo giữa cảnh biểu tình tràn ngập phố phường.

Tháng 02/2008, ông Bueno de Mesquita dự đoán Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf sẽ bị lật đổ trước cuối mùa hè. Ông Musharraf ra đi trước tháng 9. 5 năm trước cái chết của lãnh tụ Iran Ayatollah Khomeini năm 1989, ông Bueno de Mesquita tiên đoán chính xác tên của người kế vị.


Kể từ đó đến nay, với tư cách nhà tư vấn cho cả các chính phủ nước ngoài lẫn Bộ Ngoại giao, Lầu Năm góc và các cơ quan tình báo Hoa Kỳ, ông đã đưa ra hàng trăm dự báo kiểu như thế. Vậy bí quyết thành công của ông nằm ở đâu? “Tôi chẳng biết gì cả, là “trò chơi” đấy,” ông đáp.

“Trò chơi” lợi hại

“Trò chơi” của ông Bueno de Mesquita là một mô hình máy tính ông phát triển dựa trên một nhánh của toán học có tên gọi “lý thuyết trò chơi” (các nhà kinh tế cũng thường sử dụng lý thuyết này).

Mô hình này dự đoán các sự kiện sẽ diễn tiến ra sao nếu cá nhân và tổ chức hành động theo những gì họ cho là có lợi nhất với mình. Các giá trị số học sẽ đại diện cho mục tiêu, động lực và sức ảnh hưởng của “các người chơi” (gồm nhà đàm phán, lãnh đạo doanh nghiệp, đảng chính trị và đủ loại tổ chức, trong một số trường hợp, là cả quan chức và những người ủng hộ các tổ chức này nữa).

Mô hình máy tính sau đó sẽ cân nhắc các lựa chọn của nhiều “người chơi” khác nhau, xác định xem họ có khả năng sẽ làm gì, đánh giá khả năng ảnh hưởng của họ và cuối cùng là dự đoán xem một sự kiện sẽ diễn tiến tiếp ra sao.

Ví dụ như ảnh hưởng của ông Mubarak giảm đi khi Mỹ cắt giảm viện trợ khiến ông không còn phủ dụ được đám bằng hữu trong giới quân đội và an ninh được nữa. Dân chúng vốn đang thất nghiệp khi ấy sẽ nhận ra rằng giới quan chức bất mãn sẽ không còn sẵn sàng dùng vũ lực đàn áp các cuộc biểu tình chống lại nhà độc tài đã hết thời.

Công ty Mesquita & Roundell của ông Bueno de Mesquita chỉ là một trong nhiều công ty tư vấn cung cấp các mô hình máy tính như thế cho chính phủ, doanh nghiệp và các hãng luật. Phần lớn các tư vấn đều mang tính “chính trị”, tức làm thế nào để “qua mặt” công tố viên, tác động tới bồi thẩm đoàn, dành sự ủng hộ của cổ đông hay tranh thủ cử tri nhờ thay đổi liên minh chính trị và thỏa hiệp về chính sách.

Nhưng vì lý do chính trị nên thu thập dữ liệu chuẩn về tất cả các người chơi là điều rất khó khăn. Công ty Hà Lan Reinier van Oosten of Decide mô hình hóa các thỏa thuận chính trị và quá trình “mua phiếu” tại các tổ chức của Liên minh Châu Âu. Họ lưu ý rằng các dự doán đều sai lệch khi người ta bất ngờ bị tác động bởi “những cảm xúc phi duy lý” như thù hận thay vì theo đuổi những gì được cho là có lợi nhất cho mình.

Tuy vậy, khi kiếm tiền là ưu tiên chính thì xác định động lực của con người lại dễ dàng hơn nhiều. Vì thế, mô hình hóa hành vi sử dụng lý thuyết trò chơi đặc biệt hữu dụng khi ứng dụng trong kinh tế học.

“Trò chơi” tiết kiệm bạc tỷ (đôla)

GS Robert Aumann từ ĐH Hebrew Jerusalem kể rằng thành công nhất phải kể đến mô hình hóa trong đấu giá. Năm 2005 ông đã nhận giải Nobel cho công trình của mình về lý thuyết trò chơi trong kinh tế học.

Biết chính xác nên chào giá bao nhiêu là điều cực kỳ có lợi. Các công ty tư vấn giúp khách hàng thiết kế các phiên đấu giá có lợi hay thắng đấu giá ít tốn kém đang mọc lên như nấm.

Năm 2006, trước phiên đấu giá trực tuyến giấy phép các băng tần radio của Ủy ban truyền thông liên bang Hoa Kỳ, nhà tư vấn và là GS ĐH Stanford Paul Milgrom đã điều chỉnh lại phần mềm lý thuyết trò chơi của mình để giúp một nhóm các nhà thầu. Kết quả, họ đã dành chiến thắng.

Khi cuộc đấu giá bắt đầu, phần mềm của TS. Milgrom theo dõi giá đấu của các đối thủ cạnh tranh để ước tính ngân sách họ dành cho 1.132 giấy phép đang được đấu giá. Quan trọng nhất là phần mềm trên ước tính của giá trị của từng giấy phép đối với mỗi bên dự đấu giá và quyết định xem các giấy phép nào đang bị định giá quá cao.

Nhờ thế mà các khách hàng của TS. Milgrom dành được các giấy phép nhỏ và ít tốn kém hơn. Hai khách hàng của ông là Time Warner và Comcast mất số tiền ít hơn 1/3 so với các đối thủ cạnh tranh cho các dải tần tương đương và tiết kiệm được gần 1,2 tỷ đôla.

Đừng chết vì thiếu hiểu biết

Vài năm gần đây, lý thuyết trò chơi đã “tiến bộ đáng kể” khi mà rõ ràng thiệt hại sẽ rất nặng nề nếu phân tích không chính xác, Sergiu Hart, một đồng nghiệp của TS. Aumann tại ĐH Hebrew, nói.

Ví dụ như vài năm trước chính phủ Israel “cải tiến” cách thức đấu giá một cơ sở lọc dầu. Để khuyến khích các bên trả giá cao, chính phủ hứa thưởng 12 triệu đôla cho bên nào trả giá cao thứ hai.

Một sai lầm đắt giá! Một phân tích cho thấy nếu không có lời hứa trên, giá đấu cao nhất đáng lẽ đã cao hơn 12 triệu đôla. Các bên tham gia trả giá thấp vì người thua có khi lại ăn đậm tiền thưởng. Cộng khoản trên với tiền thưởng, số lỗ của chính phủ lên tới khoảng 24 triệu đôla.

Kết luận đưa ra là nếu không có phần mềm mô hình hóa, “đừng tỏ ra cái gì mình cũng biết”, “nhà mô hình hóa” (modeller) cao cấp tại công ty tư vấn Charles River Associates tại Boston, nói. Công ty trên thiết kế phần mềm lý thuyết trò chơi mô phỏng các phiên đấu giá và kế hoạch thâu tóm sát nhập doanh nghiệp.

Không phải lúc nào cũng cần tới phần mềm. Ví dụ như một sinh viên tại ĐH Hebrew đã chứng minh được chính phủ Israel đã lỗ 24 triệu đôla chỉ bằng giấy và bút chì. Tuy vậy, theo các giáo sư thì anh này mất tới hai ngày. Dùng phần mềm đương nhiên là nhanh hơn nhiều.

Nhưng muốn thu thập và xử lý dữ liệu cần thiết có thể sẽ rất tốn kém. Công ty tư vấn Decide của Hà Lan thường thu phí 20.000 đến 70.000 euro để giải quyết một vấn đề bằng phần mềm DCSim của mình vì trước hết họ phải tiến hành những cuộc phỏng vấn dài dằng dặc với giới chuyên gia. Các khách hàng của công ty bao gồm các cơ quan chính phủ tại Hà Lan và nước ngoài cũng như nhiều công ty lớn như IMB và ngân hàng ABN AMRO.
Phần 2: “Đại chiến” gói gọn trong một cái click chuột
Tác dụng của phần mềm lý thuyết trò chơi còn vượt ra khỏi phạm vi kinh tế học.
Tóm tắt:

- Mỹ sử dụng phần mềm lý thuyết trò chơi để biết Bin Laden sống ở đâu hay có nên điều tàu sân bay đến Bắc Triều Tiên không.

- Phần mềm này còn có thể đóng vai trò trung gian trong các cuộc đàm phán.

- Một ngày nào đó, hai bên tham chiến có thể nhập dữ liệu vào phần mềm, click chuột và biết ngay ai thắng ai thua, đỡ phải đổ máu!

Công ty PA Consulting của Anh thiết kế các phần mềm chuyên biệt để giúp khách hàng giải quyết các vấn đề cụ thể trong nhiều lĩnh vực khác nhau như dược phẩm, năng lượng tái tạo và sản xuất các show truyền hình. Các cơ quan thuộc chính phủ Anh đã yêu cầu PA Consulting xây dựng các mô hình kiểm nghiệm các bộ luật và pháp lệnh.

Một ví dụ đơn giản: có hai người bán kem khôn ngoan chia sẻ một bãi biển dài, họ sẽ đều dựng quán tại điểm chính giữa. Theo “modeller” Stephen Black từ trụ sở của công ty tại London, họ làm vậy để gần với nhiều khách hàng nhất. Nhưng chính họ cũng ngăn không cho người kia chuyển sang bán ở vị trí khác. Thế nên các khách hàng ở hai đầu bãi biển sẽ rất khó mua được kem.

Tuy vậy, nếu có thêm một người bán nữa, điểm cân bằng tĩnh trên sẽ bị phá vỡ kéo theo hàng loạt động thái như thay đổi địa điểm bán hàng và điều chỉnh giá. Sử dụng mô hình hóa khiến các khách hàng doanh nghiệp sẵn sàng thi hành các chiến lược dài hạn hơn, TS. Black nói.

Bin Laden trốn ở đâu? Để hỏi “mô hình” đi …

Tác dụng của phần mềm lý thuyết trò chơi còn vượt ra khỏi phạm vi kinh tế học. Năm 2007, quân đội Mỹ cung cấp cho ông Bueno de Mesquita thông tin mật để chạy được mô hình đánh giá tác động chính trị của việc đưa một tàu sân bay tới gần Bắc Triều Tiên (ông từ chối tiết lộ kết quả).

Phần mềm lý thuyết trò chơi còn giúp xác định nơi ẩn náu của bọn khủng bố. Để chạy được mô hình, Guillermo Owen từ trường Cao học Hải quân tại Monterey, California đã sử dụng tin tức tình báo từ Không quân Hoa Kỳ để ước tính trên thang điểm 100 tầm quan trọng của những thứ mà một kẻ bị truy nã thích (ví dụ như cá) hay những thứ hắn ưu tiên (nằm im hay tuyển mộ những kẻ đánh bom liều chết). Những yếu tố ấy quyết định việc tên khủng bố ẩn náu tại đâu và như thế nào. Phần mềm lý thuyết trò chơi đã đóng một vai trò quan trọng trong việc lần ra tung tích của Osama bin Laden tại Abbottabad, Pakistan, ông Owen nói.

Phần mềm hòa bình

Những tiến bộ ấy sẽ đi tới đâu? Bên cạnh việc chạy đua xây dựng những phần mềm ngày càng tinh vi hơn, các “modeller” còn nỗ lực phát triển phần mềm có thể hỗ trợ đàm phán và hòa giải.

Hai thập kỷ trước ông Clara Ponsatí, một học giả người Tây Ban Nha, đã đưa ra một ý kiến đầy thông minh khi suy nghĩ về tiến trình đàm phán hòa bình đầy gian khổ Israel-Palestine.

Nhà đàm phán nào cũng biết, bên nào ngửa bài trước xem mình sẵn sàng hy sinh cái gì sẽ mất rất nhiều lợi thế đàm phán. Mất đi lá bài tẩy trong tay, nếu gặp phải một đối thủ thông minh, họ sẽ bị dồn vào thế chân tường. Nhưng nếu cả hai bên đều không chịu nhượng bộ, đàm phán sẽ bế tắc hoặc đổ vỡ. Trong một nghiên cứu xuất bản năm 1992, TS. Ponsatí đề xuất việc sử dụng phần mềm để phá thế bế tắc kể trên.

Những cuộc đàm phán cam go có thể nhờ các nhà trung gian trung lập mà có tiến bộ, đặc biệt là nếu nhà trung gian này được cả hai phía tiết lộ xem họ có thể nhượng bộ đến đâu. TS. Ponsatí cho rằng nếu không tin một nhà trung gian bằng xương bằng thịt, hoặc có thể chẳng có nhà trung gian nào cả, một máy tính có thể đảm nhận công việc này.

Hai bên sẽ nhập vào phần mềm các thông tin tuyệt mật và đề xuất một thỏa thuận. TS Ponsatí (nay là Chủ tịch Viện Phân tích kinh tế, ĐH tự trị Barcelona) nói những “cỗ máy trung gian” như thế có thể “bôi trơn” quá trình thương thảo nhờ biết được các thông tin mà các bên sẽ dấu kín trước đối thủ hoặc một nhà trung gian là con người.

Một phần mềm như thế đang dần hiện hữu. Nhà lý thuyết trò chơi Barry O’Neill tại ĐH California, Los Angeles nói nó có thể hỗ trợ giải quyết ly dị. Vợ và chồng mỗi bên đều được cho một số điểm nhất định và phải phân phối số điểm đó vào những tài sản mà mình muốn.

Ví dụ như vợ sẽ cho phần mềm biết mình đánh giá chiếc xe hơi là 15 điểm. Nếu chồng cho rằng giá trị của chiếc xe là 10 điểm, sau này ông ta không thể nói rằng mình đáng phải nhận được nhiều hơn vì đã mất chiếc xe hơi.

Gói gọn chuyện binh đao trong ổ cứng máy tính?

Các bên liên quan phải chắc chắn được rằng công nghệ trung gian ấy hoàn toàn trung lập. Với các thỏa thuận lớn, các công ty kiểm toán giám sát chặt chẽ việc phát triển và sử dụng các phần mềm loại này để đảm bảo không bên nào có thể bí mật thu thập thông tin về bên kia, nhà lý thuyết trò chơi Benny Moldovanu từ ĐH Bonn nói.

Ông đang tư vấn cho các công ty thiết kế phần mềm đàm phán sử dụng trong thị trường điện bán buôn và các kế hoạch tư nhân hóa. Ông tin tưởng phương pháp này sẽ được áp dụng cho các thị trường dịch vụ công khác như nước sạch.

Liệu trung gian sử dụng phần mềm có thể đi từ hôn nhân gia đình tới các tranh chấp chính trị – quân sự? Các nhà lý thuyết trò chơi cho rằng đó chỉ là những biến thể của cùng một vấn đề và đã phát triển một mô hình lý thuyết rất thú vị về chiến tranh.

“Nguyên lý hội tụ” cho rằng về bản chất xung đột vũ trang chính là hoạt động thu thập thông tin. Các bên tham chiến nổ súng để xác định sức mạnh quân sự và giải pháp chính trị của địch thủ. Khi những đánh giá chính xác và tương đồng của các bên đều đã “hội tụ” có thể dẫn tới việc đầu hàng hay ký hiệp ước hòa bình.

Mỗi bên tham chiến đều có động cơ để gây thiệt hại nặng cho đối phương vì điều đó thể hiện họ đánh giá rất cao chiến thắng. Nhưng một mô hình như thế lại chẳng liên quan gì tới bản chất con người. Một số nhà lý thuyết trò chơi cho rằng mô hình ấy có thể được chỉnh sửa lại để đàm phán ngoại giao có thể thay thế cho xung đột vũ trang.

Ngày nay phần mềm lý thuyết trò chơi vẫn chưa đủ tiến bộ để làm trung gian cho các nước tham chiến. Nhưng một ngày nào đó, các nước đang trên bờ vực chiến tranh có thể sử dụng chúng để trao đổi thông tin mà không phải đánh giết lẫn nhau.

Họ có thể biết chiến tranh sẽ dẫn tới đâu, bỏ qua chuyện binh lửa và tiến tới ngay một thỏa thuận, ông Bueno de Mesquita nói. Có lẽ là thật quá lạc quan, nhưng riêng về tương lai, thì ông ấy là chuyên gia cơ mà!

Minh Tuấn
Theo TTVN

No comments:

Post a Comment