Trung Hà từng được liệt kê vào danh sách dân "gà chọi" khi học cấp ba chyên toán trường Chu Văn An, Hà Nội, giành giải ba toán học sinh quốc tế ở Rumania năm 1978. Được cử đi học ở Nga, anh vào Đại học tổng hợp Moskva, theo ngành toán lý thuyết, môn Lý thuyết số.
Thời gian này, cảm hứng cho môn toán của Nguyễn Trung Hà không nhiều, anh kể rằng luôn cảm thấy chán học nên dành phần lớn thời gian để tìm hiểu nhiều điều khác. "Tôi chỉ học tiếp để hoàn thành nốt bậc đại học mà thôi", anh cho biết.
Sau khi ra trường năm 1985, Trung Hà làm việc tại Viện Cơ học. Đây là nơi nhiều người muốn chen vào, nhưng anh lại bật ra, cùng bạn bè tham gia thành lập tập đoàn FPT và nhảy vào các lĩnh vực kinh tế.
Nói về việc triết lý trong công việc, Trung Hà cho biết: "Tôi không ép mình phải làm gì, cũng không để công việc gây sức ép. Tôi có thể bỏ qua việc, chứ không thể bỏ qua cái mình thích. Quan trọng nhất là biết tổ chức công việc".
Cuộc sống đưa đẩy Trung Hà trở thành doanh nhân và khi đó anh cũng nhận ra suy nghĩ về môn toán của mình ngay thời sinh viên là có cơ sở. Trước đây và ngay cả bây giờ anh vẫn thấy toán thú vị, song còn có nhiều cái thú vị và hấp dẫn hơn toán. Hà nói anh tìm thấy trong bản thân có nhiều khả năng khác hơn là học toán.
Trung Hà không đồng ý khi nhiều người quá đề cao môn toán, bởi anh thấy toán học chỉ ở mức cần thiết vừa vừa. "Toán học không giúp ích gì nhiều cho cuộc sống, đừng nghĩ toán là cái gì đó đặc biệt, có khi môn sinh học và văn học còn gần gũi với cuộc sống con người hơn".
Trong lần đối thoại với giáo sư Ngô Bảo Châu vào tháng 8 năm 2010, anh từng đưa ra quan điểm gây tranh cãi sôi sục trên mạng, khi nói rằng "toán là một trò chơi, giống như môn nhảy cao, ngoài bản thân việc nhảy cao, không có ý nghĩa gì cả, ngoài điều duy nhất có tác dụng về tinh thần".
Trung Hà lập luận rằng mỗi khi giải toán, "người ta cứ phải đi tìm câu trả lời cho cài gì đó che che giấu giấu trong bài toán. Đó đâu phải toán!". Khi giải được bải toán đó, tự người làm toán lại cảm thấy thích thú, vui.
"Tôi thấy người học toán thường đưa ra vấn đề, tự giải quyết và cuối cùng tự tung hô", anh nói.
Đốt tiền để sưởi
Trung Hà kể rằng mấy tháng trước anh cùng bạn bè trong đó có rất nhiều người học toán ra, ngồi chuyện trò về toán học. Khi hỏi về nội dung Bổ đề cơ bản, không ai nói được, trong khi chính họ vẫn ca ngợi đó là công trình nghiên cứu tốt và có sức ảnh hưởng lớn.
Hà cho rằng thời gian anh dành cho toán là hơi nhiều và vì thế chi phí cơ hội cao và lãng phí. Nếu học thứ khác có thể giúp cho xã hội nhiều hơn, anh tâm sự.
"Khi đói và rét, người đó có thể mang tiền ra đốt để sưởi ấm. Đây là phương pháp đúng nhưng rất lãng phí. Việc đầu tư tập trung đào tạo bậc cao nghiên cứu toán cũng vậy", anh ví von.
Trong khi đa số cho rằng người học toán có thể làm bất cứ việc gì và đều thành công, thì Trung Hà phủ nhận. Theo anh, người giỏi toán thì trước hết bản thân họ đã giỏi, có tố chất và trí tuệ tốt, nên làm gì cũng giỏi. Giỏi toán chỉ là hệ quả của một trí tuệ tốt, chứ không phải là nguyên nhân.
Nhìn nhận chương trình toán trong giáo dục hiện nay, Trung Hà cho rằng chỉ cần học toán cơ bản đến hết phổ thông là đủ và kiến thức toán ở bậc đại học là đã bắt đầu không cần thiết.
"Càng lên cao, toán càng ít ứng dụng. Lúc đó nó chỉ phục vụ cho sự phát triển nội tại bản thân nó thôi", Trung Hà bày tỏ.
Vì vậy, nhìn ở góc độ phát triển kinh tế xã hội, cống hiến của toán không nhiều, nhà đầu tư này đánh giá, và cho rằng những bộ óc tốt nên được dùng cho việc gì "khác hơn là tự đặt vấn đề rồi tự giải quyết vấn đề".
Anh cho biết, những người bạn vẫn đang được gọi là làm toán chưa chắc đã làm toán. Còn những người làm toán thật sự thì thường ở nước ngoài, vì toán học giống như môn nghệ thuật, đòi hỏi có khiếu đam mê, cũng như môi trường thích hợp.
Mỗi trình độ phát triển của một xã hội cần một thứ toán khác nhau, ứng dụng hoặc lý thuyết, Hà phân tích. "Đấy là lý do ngành giáo dục của chúng ta cần phân bổ nguồn lực đầu tư như thế nào cho hợp lý.
Nguồn: vnexpress
No comments:
Post a Comment