Saturday, February 18, 2012

GS. Neal Koblitz góp ý cho Viện Toán Cao Cấp

Có bốn lý do căn bản để Việt Nam cần hỗ trợ nghiên cứu toán học cả lý thuyết lẫn ứng dụng.

1. Toán học đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Toàn bộ lĩnh vực toán học đều liên quan chặt chẽ với nhau, vì vậy thật khó dự đoán nhánh nào sẽ tạo ra lợi ích kinh tế quan trọng nhất trong tương lai. Ví dụ, tôi được đào tạo theo một ngành rất trừu tượng của toán ở Đại học Princeton, và giảng viên phụ trách luận án của tôi chưa từng làm những vấn đề ứng dụng. Tuy vậy, 10 năm sau khi nhận bằng tiến sĩ, tôi bắt đầu áp dụng kiến thức vào lĩnh vực an ninh máy tính và dữ liệu. Suốt một phần tư thế kỷ qua, toàn bộ công việc của tôi là trong những lĩnh vực ứng dụng.

Tương tự, nhà toán học nổi tiếng Hoàng Tụy nhận bằng tiến sĩ toán thuần túy ở Moscow, hợp tác với những nhà toán học Liên Xô chưa bao giờ làm ứng dụng. Nhưng sau này, ông có đóng góp tiên phong về lĩnh vực tối ưu hóa, tìm kiếm những phương thức hiệu quả nhất để tổ chức các nhiệm vụ hậu cần trong sản xuất, vận tải và liên lạc.

2. Toán học đóng vai trò trung tâm trong văn hóa nhân loại. Toán – như âm nhạc, nghệ thuật, văn học – là ngôn ngữ của tư duy và văn hóa con người. Khi một thanh niên từ Việt Nam giành huy chương Olympic toán học – ví dụ như khi Ngô Bảo Châu được huy chương vàng hai năm liền ở tuổi 16 và 17 – người Việt rất tự hào. Đúng thôi, vì nó có nghĩa là đất nước có danh tiếng cao về toán, và nó chứng tỏ thế hệ trẻ sẵn sàng đóng góp chủ chốt cho kiến thức toán học của thế giới.

Ngược lại, một đất nước không có đóng góp độc đáo cho toán cũng giống như một nước không có nền âm nhạc, nghệ thuật hay văn học của riêng mình.

3. Việt Nam vốn đã có truyền thống mạnh để tiếp tục phát triển. Ở Việt Nam, toán đã có từ thời xa xưa. Hơn 500 năm trước, cái tên Lương Thế Vinh đã được vinh danh trong Văn Miếu. Hơn 60 năm trước, trong cuộc chiến đánh Pháp, Việt Minh ấn hành một sách giáo khoa hình học của Hoàng Tụy để dùng trong vùng giải phóng. Tôi chưa thấy có nơi nào mà nhà xuất bản du kích trong rừng lại in một sách về toán! Và dĩ nhiên, ví dụ gần đây nhất về truyền thống toán học của Việt Nam là giải Fields dành cho Ngô Bảo Châu năm 2010.

4. Một cộng đồng nghiên cứu toán mạnh sẽ thúc đẩy giáo dục về toán. Tại Mỹ, chúng tôi dùng chữ “gateway” (cổng vào) để chỉ toán học vì người trẻ cần được đào tạo tốt về toán để có thể vào học và thành công ở một trong bốn lĩnh vực (khoa học, công nghệ, kỹ sư và toán). Cải thiện giáo dục toán học ở mọi mức độ – tiểu học, trung học, đại học, sau đại học – là rất cần cho phát triển kinh tế và công nghệ của một quốc gia.

Bây giờ chúng ta cần đặt một câu hỏi khác: Việc chính phủ hỗ trợ cho Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) có phải là cách hiệu quả để phát triển toán học?

Cụ thể là, làm sao để tiền bạc không bị lãng phí, và Viện không trở thành một thứ đồ triển lãm cao cấp mà không có mấy lợi ích cho đất nước?

Tôi rất lo ngại nguy cơ lãng phí tiền chính phủ cho những dự án hào nhoáng nhưng không hiệu quả. Ví dụ, tôi đã mạnh mẽ chỉ trích đề nghị của Nhóm Chuyên trách về giáo dục Việt Nam – Hoa Kỳ muốn chính phủ Việt Nam dành 100 triệu đôla cho một liên hợp các trường Mỹ để họ xây một đại học “kiểu Mỹ” ở miền Nam.

Tôi cũng phản đối cái gọi là “chương trình cao cấp”, tức là chính phủ Việt Nam trả bộn tiền cho các giáo sư Mỹ có vài tháng ở Việt Nam dạy các khóa đại học nâng cao. Ở cả hai trường hợp, tôi cho rằng tiền cần dùng để cải thiện lương bổng, điều kiện làm việc, cơ sở vật chất ở Đại học Quốc gia và các đại học công.

Tương tự, tôi tin rằng với VIASM, tiền chủ yếu cần được dùng ở Việt Nam. Ngoại trừ các trường hợp hiếm hoi, Việt Nam không nên trả tiền hậu hĩnh cho người nước ngoài và không nên đài thọ vé máy bay cho họ.

Các nhà toán học thỉnh giảng nên dùng ngày nghỉ của mình và tiền của chính phủ nước họ. VIASM nói chung chỉ nên có sự giúp đỡ mang tính địa phương – ví dụ một phòng trọ trong nhà khách. Ngược lại, VIASM nên rộng lòng cung cấp thời gian nghỉ để nghiên cứu cho các giáo sư đại học Việt Nam. Nghiên cứu của họ có thể được hỗ trợ nhờ thời gian không phải giảng dạy và môi trường nghiên cứu rất tốt ở VIASM.

Để không phí tiền, người ta cần tránh một sai lầm nữa. VIASM không thể trở thành một tổ chức cao cấp tách rời thực tế Việt Nam. Tại nhiều nước, các viện kiểu này dành tài nguyên để tạo quan hệ và uy tín quốc tế, chứ không tham gia mấy vào sự phát triển nội tại của đất nước.

Ví dụ tại Mexico, viện CINVESTAV (Trung tâm nghiên cứu cao cấp) bị chỉ trích vì thiếu quan hệ, cũng như hỗ trợ các khoa học gia Mexico ở các viện khác. Hai năm trước, CINVESTAV tổ chức một hội nghị quốc tế thuộc lĩnh vực của tôi, và sau đó tôi mới biết các đồng nghiệp ở các đại học khác của Mexico không được mời hay thậm chí biết về hội nghị.

Nguy cơ xa rời thực tế là có thật trừ phi có những biện pháp ngăn chặn cụ thể. Có nhiều cách để VIASM hòa nhập với giáo dục và ngành nghề vì lợi ích của Việt Nam.

1. Hỗ trợ toán ở đại học. VIASM nên làm việc chặt chẽ với mọi đại học công để giúp khoa toán cải thiện trình độ nghiên cứu và giảng dạy. Viện nên giúp các giảng viên có cơ hội nghỉ phép để làm nghiên cứu. Ngoài ra, khi các nhà toán học Việt Nam lấy bằng tiến sĩ ở nước ngoài, VIASM có thể đóng vai trò quan trọng giúp thu hút họ quay về. Đầu tiên là trải qua một năm tại Viện, và sau đó về với khoa toán của một đại học công. Bằng cách này, VIASM có thể thúc đẩy đại học và ngăn chặn “chảy máu chất xám”.

Các nhà toán học hàng đầu có quan hệ với VIASM cần vận động chính phủ cải thiện điều kiện cho Đại học Quốc gia và các đại học công. Cố gắng tăng tiền cho VIASM chỉ nên là ưu tiên thấp hơn so với cố gắng nâng cao điều kiện làm việc ở các đại học.

2. Cải thiện việc dạy toán ở mọi mức độ. VIASM nên tạo quan hệ với sinh viên đại học, học sinh cấp hai cũng như người học sau đại học, và tư vấn cho chính phủ về việc đào tạo giáo viên và chương trình học.

3. Khuyến khích giới trẻ đi vào toán học. VIASM nên tổ chức các chương trình đặc biệt cho những bạn trẻ có thành tích thi toán quốc gia, quốc tế để thu hút họ làm việc trong ngành toán và khoa học cơ bản. Quá nhiều những học sinh như thế rốt cuộc đi làm kinh doanh và lãng phí tài năng.

4. Ủng hộ bình đẳng giới trong toán học. Phụ nữ Việt Nam xuất hiện cực kỳ ít trong ngành toán. VIASM cần hợp tác với Hội Phụ nữ Việt Nam để tổ chức các chương trình đặc biệt cho những bạn nữ có khả năng về toán.

5. Hợp tác với các ngành nghề. VIASM nên khuyến khích giới làm toán tham vấn cho các ngành nghề, và đồng thời cũng phải kiểm soát chất lượng tư vấn. Nghĩ là việc áp dụng toán trong ngành công nghiệp phải dựa trên nền tảng khoa học vững chắc. Công chúng và những lãnh đạo ngành không nên bị đưa cho bức tranh phóng đại về khả năng của toán học.Nhiều nhà toán học đặt nhiều hy vọng vào Viện Toán Cao Cấp dưới sự lãnh đạo của Ngô Bảo Châu. Chúng tôi đã để ý nhiều điểm so sánh giữa Ngô Bảo Châu và nhà toán học huyền thoại Trung Quốc S. S. Chern. Khi ông này làm giám đốc Viện Nghiên cứu Toán ở Berkeley của Hoa Kỳ, ông đã làm việc không mệt mỏi và thành công trong phát triển toán học ở Trung Quốc. Chúng tôi tin rằng Ngô Bảo Châu, giống như ông Chern, sẽ chứng tỏ là một nhà quản lý hành chính tài năng và cũng là nhà toán học xuất sắc.

Khi ta xem triển vọng cho toán và khoa học ở Việt Nam, có nhiều vấn đề trầm trọng nhưng cũng có lý do hy vọng. Chỉ cần nhắc một trong những bức xúc, các giáo sư đại học hầu như chẳng bao giờ gặp sinh viên bên ngoài giờ hành chính hay những dự án đặc biệt. Họ thường làm thêm và không có thời gian, và thường cũng chẳng có văn phòng riêng. Đây là một hệ quả của lương thấp và cơ sở vật chất tồi ở các đại học công.

Nhưng cũng có lý do để hy vọng. Giới trẻ Việt Nam được tiếng trên trường quốc tế là chăm chỉ và được chuẩn bị tốt. Ngay cả trong thập niên 1970, khi tôi lần đầu gặp sinh viên Việt Nam ở Moscow, người Nga luôn ca ngợi họ thuộc số giỏi nhất trong các sinh viên nước ngoài ở Liên Xô. Các gia đình Việt Nam đặt ưu tiên cho giáo dục và đã truyền lại tiêu chuẩn cao cho thế hệ đi sau.

Các giáo viên Việt Nam cũng đều rất tận tụy và nỗ lực. Việt Nam có nguồn nhân lực tuyệt vời để dựa vào. Nếu các lãnh đạo chính quyền và khoa học sử dụng tiền khôn ngoan, họ có thể thúc đẩy những tiến bộ lớn trong giáo dục, khoa học và công nghệ.
GS. Neal Koblitz góp ý cho Viện Toán Cao Cấp
Tiến sĩ Neal Koblitz hiện là Giáo sư Toán ở Đại học Washington, Hoa Kỳ. Bài viết gửi riêng cho BBCVietnamese.com, do Lê Quỳnh biên tập và dịch.

No comments:

Post a Comment