Friday, December 30, 2011

Câu chuyện về Shing-Tung Yau giải thưởng Fields năm 1982

Khi nói về thực trạng phát triển toán học Việt Nam, GS Ngô Việt Trung mỉm cười đáp: "Nội dung đó năm qua đã được truyền thông nhắc đến nhiều". Và rất ý nhị, ông kể câu chuyện của một nhà toán học lỗi lạc gốc Hồng Kông (Trung Quốc) mà những lời cố vấn của ông có ảnh hưởng mạnh mẽ tới chính quyền Trung Quốc. Đó là GS Shing-Tung Yau (Khâu Thành Đồng, đoạt giải thưởng Fields năm 1982) hiện đang giảng dạy tại Đại học Havard (Mỹ).
Bằng giọng trầm trầm, GS Ngô Việt Trung nhắc đến giải thưởng toán học Hang Lung do GS Shing-Tung Yau vận động lập ra và do tập đoàn Hang Lung - một tập đoàn bất động sản bậc nhất Hồng Kông - đứng ra lo mọi kinh phí. Cuộc thi giải toán Hang Lung cứ hai năm tổ chức một lần thu hút được hàng trăm học sinh phổ thông Hồng Kông tham gia và gây sự chú ý lớn của dư luận. Giải nhất của cuộc thi này lên tới 100.000 USD. Đặc biệt hơn, giám khảo của cuộc thi bao gồm những nhà toán học đến từ các nước khác nhau và trong số đó có nhiều người từng đoạt những giải thưởng danh giá như: Nobel, Fields... "Tôi là một thành viên của ban giám khảo nhưng chỉ là "con kiến" trong đó thôi" - GS Ngô Việt Trung cười khi nhắc tới điều này. Điều ông ấn tượng ở cuộc thi đó là: "Tất cả những học sinh vào vòng chung kết phải tự thuyết trình về công trình nghiên cứu của mình. Các em rất tự tin. Ở cuối mỗi phần thi, ban giám khảo dành cho thí sinh câu hỏi: "Thời gian tới, anh/chị định theo học ngành gì?". Đa số câu trả lời đều là: "học toán và làm toán". Cuộc thi kết thúc cách đây sáu tháng, hai em đoạt giải nhất và giải nhì cuộc thi sau khi tốt nghiệp phổ thông đã theo học tại hai trường đại học danh tiếng trên thế giới, đó là Đại học Cambridge (Anh) và Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ). Điều này cho thấy mối quan tâm của xã hội Hồng Kông đối với toán học và điều này sẽ giúp cho toán học Hồng Kông phát triển bền vững.

GS Ngô Việt Trung nói: "Nhận thấy ở Hồng Kông, GS Shing-Tung Yau quen biết rất nhiều người cũng như sự trọng thị của chính quyền dành cho vị GS này, tôi hỏi phải chăng ông hay về Hồng Kông. Nhưng thú vị thay ông ta đáp: "Không, tôi về Hồng Kông rất ít. Hiện nay tôi về Bắc Kinh thường xuyên hơn, ở đấy họ coi trọng những lời cố vấn của tôi".

"Tôi tìm hiểu về GS Shing-Tung Yau thì càng ngạc nhiên hơn nữa. Năm 1996, Quỹ Morningside và Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc thành lập trung tâm Morningside Toán học do chính GS Shing-Tung Yau làm Chủ tịch Hội đồng khoa học. Mục đích của trung tâm là tạo điều kiện để các nhà toán học trẻ Trung Quốc tiếp xúc với các nhà toán học hàng đầu thế giới. Trung tâm cũng tổ chức những khóa học ngắn hạn để giúp những nhà toán học trẻ Trung Quốc được học tập và trao đổi kinh nghiệm. Hoạt động của trung tâm này giống như Viện Nghiên cứu cao cấp về toán của Việt Nam đang đề ra hiện nay" - GS Ngô Việt Trung kể.

Năm 2009, GS Shing-Tung Yau tiếp tục vận động Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh) - một trong những đại học hàng đầu của thế giới - thành lập Viện các khoa học Toán học. Viện này có chức năng giống như Viện Nghiên cứu cao cấp Princeton (Mỹ), nơi dành cho một số rất ít những nhà toán học hàng đầu đến đó làm việc với những điều kiện tốt nhất. Đồng thời đây cũng là nơi ưu tiên các nhà toán học trẻ đến làm việc, cũng giống như mục tiêu của Viện Nghiên cứu cao cấp về toán của Việt Nam. Trước đó, vị giáo sư này cũng đã thành công trong việc vận động thành lập các viện toán tương tự ở Hồng Kông và Đài Loan (Trung Quốc).
Và năm 2010, GS Shing-Tung Yau lại vận động ĐH Thanh Hoa và chính quyền đảo Hải Nam thành lập Trung tâm Hội nghị Toán học Quốc tế - nơi sẽ tổ chức thường xuyên các hội nghị toán học và trao đổi ý tưởng cộng tác. Chính quyền đảo Hải Nam đã bố trí cho trung tâm này một mảnh đất rất đẹp và dành một bãi biển phục vụ cho các hoạt động của trung tâm. Vinh dự là một trong những khách mời của hội nghị khai trương trung tâm này, GS Ngô Việt Trung bày tỏ: "Hội nghị tổ chức rất hoành tráng với đại biểu là 200 nhà toán học đến từ nhiều nước trên thế giới với nhiều nhà khoa học được những giải thưởng như Nobel, Abel, Fields... Trong 2 năm đầu, kinh phí mời khách dự các hội nghị tại trung tâm do Chính phủ Trung Quốc đảm nhiệm. Điều này cho thấy quyết tâm của Trung Quốc khi muốn thu hút chất xám của các chuyên gia nước ngoài và mong muốn trở thành cường quốc về toán học".

GS Ngô Việt Trung nhấn mạnh: "Vai trò tư vấn về mặt khoa học của GS Shing-Tung Yau được chính quyền Trung Quốc tôn trọng bằng hành động cụ thể và rất bài bản". Và ông hy vọng khi Việt Nam có quyết định thành lập Viện Nghiên cứu cao cấp về toán thì Chính phủ sẽ thực thi một số chính sách tương tự.

Theo Lê Hồng Vân
An Ninh Thế Giới

2 comments:

  1. Bài viết rất ý nghĩa, cám ơn bạn đã chia sẻ
    click xem thêm tại đây

    ReplyDelete
  2. Bài viết rất ý nghĩa, cám ơn bạn đã chia sẻ
    click xem thêm Dạy kèm Biên Hòa

    ReplyDelete