Thursday, November 10, 2011

Phạm Hoàng Hiệp, 29 tuổi, ngành toán - Phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2011

Giảng viên Phạm Hoàng Hiệp, 29 tuổi, chuyên ngành toán (ĐH Sư phạm Hà Nội) là người trẻ nhất vừa được công nhận chức danh Phó giáo sư trong số 374 người. Thầy Hiệp cho rằng:“Để thành công, hãy luôn đặt câu hỏi tại sao, và cố gắng suy nghĩ giải thích”.


Giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội Phạm Hoàng Hiệp, 29 tuổi, là Phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2011.

Tôi phải có trách nhiệm nhiều hơn trong nghiên cứu và giảng dạy

Chào anh Phạm Hoàng Hiệp. Được tin mình trở thành Phó giáo sư (PGS) trẻ nhất Việt Nam trong đợt phong năm 2011, tâm trạng của anh thế nào?

Tôi thấy vui vì những cố gắng của mình trong nghiên cứu và dạy học đã được ghi nhận. Tôi cảm thấy phải có trách nhiệm nhiều hơn trong nghiên cứu và giảng dạy.

Nhiều người thường nghĩ học toán rất khô khan và nghèo. Tại sao anh lại chọn nghề toán?

Tôi bắt đầu thực sự học Toán khi cuối năm lớp 9, tôi đọc một quyển sách về Số học mà bố tôi mua cho trước đó rất lâu. Sau khi đọc hết quyển sách, tôi thực sự cảm thấy Toán học rất thú vị. Sau đó tôi nghĩ rằng học Trường ĐH Sư phạm thì vừa có thể nghiên cứu, vừa có thể giảng dạy.

Mọi người sẽ cho rằng Toán là một môn học rất thú vị nếu có bộ sách, chương trình Toán trực quan, sâu sắc, thực tiễn, chi tiết nhưng lại dễ hiểu, đơn giản. Nhưng tôi cho rằng chỉ những gì người ta thấy dễ hiểu, đơn giản và trực giác được thì họ mới thấy nó thú vị và sử dụng những kiến thức đó vào thực tiễn. Vì vậy tôi luôn cố gắng làm cho Toán học trở lên đơn giản, dễ hiểu. Tuy công việc này không đem lại công trình khoa học mới nhưng đem lại hiểu biết sâu sắc cho chính bản thân và rất tốt cho việc dạy và học Toán.

Tôi là người có nhiều may mắn trong học tập và nghiên cứu khoa học. Lúc học ở khoa Toán, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, tôi được sự quan tâm và học tập với nhiều giáo sư ở khoa Toán như GS. Nguyễn Văn Khuê, GS. Lê Mậu Hải... Sau đó tôi có cơ hội làm việc với các GS. Urban Cegrell ở ĐH Umea, Thụy Điển, GS. Ahmed Zeriahi và GS. Vicent Guedj, ĐH Toulouse, Pháp. Hiện nay tôi đang làm việc nghiên cứu với GS. Jean-Pierre Demailly, một người có tầm hiểu biết rộng và là một nhà sư phạm tuyệt vời, tại Viện Fourier, ĐH Grenoble, nước Pháp.

Theo anh để thành công trên con đường nghiên cứu toán học, cần có những yếu tố nào?
Theo tôi để thành công trên con đường khoa học là bạn phải có khả năng ước lượng, phán đoán, trực giác. Ngoài những tố chất trên thì cần có sự chịu khó học hỏi, kiên trì và tư duy độc lập.



Tân PGS Phạm Hoàng Hiệp (ngoài cùng bên trái): Trong cuộc sống tôi thường suy nghĩ hãy luôn có một cuộc sống vui vẻ, lạc quan và cố gắng trong công việc.

Hãy luôn đặt câu hỏi tại sao

Nhiều nhà khoa học hiện nay cho rằng nền Toán học Việt Nam đang có nguy cơ thụt lùi, vậy anh nghĩ thế nào? Theo anh cần có giải pháp nào để khắc phục tình trạng này?

Theo tôi để khoa học phát triển thì các trường đại học cần có mô hình đơn giản và thuần tuý khoa học. Nếu như quy tụ được rất nhiều các nhà khoa học trẻ có tâm huyết vào các trường đại học thì điều này sẽ thành hiện thực.

Anh nhận định toán học có ý nghĩa như thế nào với sự phát triển của đất nước?

Tôi cho rằng Toán học ảnh hưởng gián tiếp đến sự phát triển của đất nước thông qua chương trình giáo dục. Đặc biệt, Toán học ở các cấp bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông ảnh hưởng đến tư duy của tất cả mọi người trong xã hội. Nếu chúng ta làm cho chương trình Toán học trực quan, gắn với thực tiễn, dễ hiểu, đơn giản. Khi đó mọi học sinh đều có tư duy tốt thì họ sẽ là nhân tố giúp đất nước phát triển. Tất nhiên để làm được điều này cần những nhà nghiên cứu Toán học, quan tâm đến giáo dục.

Anh có lời khuyên gì với những bạn trẻ hiện nay?

Trong cuộc sống tôi thường suy nghĩ hãy luôn có một cuộc sống vui vẻ, lạc quan và cố gắng trong công việc.

Để thành công trong học tập và nghiên cứu khoa học, các bạn hãy luôn đặt câu hỏi tại sao, và cố gắng suy nghĩ giải thích, không thể trả lời được thì tìm đến tài liệu, thầy giáo, bạn bè.

Xin trân trọng cảm ơn anh!

Theo Dân trí

No comments:

Post a Comment